Khái niệm du lịch cộng đồng là gì?
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương. Trong mô hình này, du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động của cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa và góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Ngoài ra có thể hiểu định nghĩa về du lịch cộng đồng thông qua các khái niệm dưới đây, dựa trên TCVN 13259:2020.
- Cộng đồng: Là tập hợp những người, chủ thể văn hòa cùng lưu trú ở một khu vực địa lý, có đặc tính chung về xã hội, cùng giữ gìn di sản văn hóa mà họ xem là bản sắc.
- Du lịch cộng đồng: Là loại hình được phát triển dựa trên cơ sở giá trị văn hóa cộng đồng, được quản lý bởi cộng đồng dân cư.
- Sản phẩm du lịch: Là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách.
- Cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng: Đây là nơi cung cấp dịch vụ lưu trú cho du khách ở điểm du lịch cộng đồng
- Cơ sở dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng: Đây là nơi cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách trong khu vực du lịch cộng đồng.
- Đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng: Là đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định, đưa du khách đến khu vực du lịch cộng đồng và thực hiện chức năng: Bảo vệ bền vững về tự nhiên và văn hóa của khu du lịch cộng đồng và hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội của cộng đồng, địa phương, cam kết theo Bộ Quy tắc ứng xử.
- Điểm du lịch cộng đồng: Nơi có tài nguyên du lịch được khai thác nhằm phục vụ du khách.
- Người hướng dẫn du lịch cộng đồng: Thành viên của cộng đồng có thẻ hướng dẫn viên du lịch ở điểm du lịch cộng đồng theo quy định, thực hiện cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn du khách và hỗ trợ họ sử dụng các dịch vụ theo chương trình.
- Trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống: Do thành viên thuộc cộng đồng trình diễn, thể hiện những nghi lễ, tập tục, nghệ thuật truyền thống với những nét văn hóa đặc trưng phục vụ nhu cầu của du khách.
- Bộ quy tắc ứng xử: Là các quy định chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thói quen, thái độ, cách ứng xử văn minh trong du lịch cộng đồng.
- Ban quản lý du lịch cộng đồng: Đơn vị quản lý và vận hành du lịch cộng đồng gồm đại diện chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương và thành viên cộng đồng; tổ chức và quản lý hoạt động du lịch tại điểm/các điểm du lịch cộng đồng theo quy định.
Bộ quy tắc ứng xử áp dụng với cộng đồng địa phương
Theo quy định của TCVN 13259:2020, cộng đồng địa phương cần tuân thủ đúng quy tắc ứng xử như sau:
- Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch.
- Nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ khách du lịch khi có yêu cầu.
- Xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn xô đẩy khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng.
- Tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch.
- Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp.
- Có ý thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường; giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, hưởng ứng các phong trào xã hội về bảo vệ môi trường.
- Tuân thủ các quy định, bảng chỉ dẫn, biển báo tại các khu, điểm du lịch.
- Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng.
- Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch.
- Không “chèo kéo”, đeo bám khách du lịch.
- Không có lời nói, cử chỉ, hành vi thô tục, thiếu văn hóa, trêu chọc hay có hành động khiếm nhã với khách du lịch.
- Không có hành vi, cử chỉ kỳ thị, phân biệt đối xử với khách du lịch.
- Không tranh giành, gây gổ với khách du lịch.
- Không xả rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi, hút thuốc lá ở những nơi không được phép.
- Không khắc, vẽ lên tường, tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc, hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ, trêu chọc vật nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng.
- Không bán cho khách du lịch sản phẩm từ động, thực vật hoang dã trong danh mục bị cấm.
- Cộng đồng địa phương cần có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa cộng đồng.
- Cộng đồng ngăn chặn các hành vi như: mua bán mại dâm, buôn bán ma túy và các chất gây nghiện khác, lao động trẻ em, buôn bán người.
- Cộng đồng ủng hộ các nguyên tắc bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.
- Cộng đồng cam kết sử dụng các sản phẩm của địa phương.
- Cộng đồng luôn củng cố, nâng cao bản sắc và lòng tự hào về văn hóa địa phương.
- Cộng đồng tuân thủ những quy tắc, quy định và luật pháp bảo vệ văn hóa và di sản.
- Luôn tham gia các chương trình tập huấn về nâng cao nhận thức về môi trường, xử lý rác thải tại địa phương.
- Giới thiệu các thông tin về văn hóa địa phương cho khách du lịch.
- Đảm bảo thực hiện việc an toàn, an ninh cho khách du lịch khi tham quan cộng đồng.
- Luôn tham gia các chương trình tập huấn về nâng cao kỹ năng giao tiếp và giao tiếp đa văn hóa.